Có quá khó khi vừa tiết kiệm, vừa đầu tư sinh lời, vừa được bảo vệ khỏi rủi ro tài chính? Câu trả lời là không, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mới đang là dòng sản phẩm hot của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thêm qua bài viết nhé.
1. Bảo hiểm liên kết đầu tư là gì?
Điều 7 của Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi bổ sung năm 2010 (luật sửa đổi 61/2010/QH12), thêm vào nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, nhưng lại không quy định rõ định nghĩa của loại hình này. Tuy nhiên có thể hiểu về loại hình này thông qua thuật ngữ Investment-Linked Policies (ILP) Insurance.
Định nghĩa của thuật ngữ này chỉ rõ, Bảo hiểm đầu tư, bảo hiểm liên kết đầu tư hay bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư là nghiệp vụ của bảo hiểm nhân thọ có cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư.
Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Với phần bỏ ra để đầu tư, khách hàng (bên mua bảo hiểm) có quyền được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư, cũng như chịu mọi rủi ro (nếu có) đối với việc đầu tư.
Bảo hiểm liên kết đầu tư là dòng sản phẩm không chia lãi – người tham gia hưởng “lãi” chính là kết quả đầu tư của quỹ, thay cho các loại hình bảo hiểm có tham gia chia lãi (sinh kỳ, hỗn hợp, trọn đời, trả tiền định kỳ) – người tham gia hưởng lãi không cam kết dựa trên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Các loại Bảo hiểm liên kết đầu tư
Bảo hiểm liên kết đầu tư được phân thành 2 loại chính:
- Bảo hiểm liên kết đầu tư chung (Universal Life insurance – UL)
- Bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị (Unit-Linked Insurance Plan – ULIP hoặc Variable Life Insurance – VL)
2.1 Bảo hiểm liên kết đầu tư chung
Bảo hiểm liên kết đầu tư chung: là loại sản phẩm mà tiền phí bảo hiểm của người mua được doanh nghiệp đổ vào một quỹ đầu tư chung. Quỹ này đảm bảo an toàn tối đa cho người mua, có mức lãi suất cam kết. Do đó, doanh nghiệp thường chỉ đầu tư vào các kênh an toàn như Tiền gửi có kỳ hạn và Trái phiếu chính phủ.
Đặc điểm: bên mua bảo hiểm sẽ được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn lãi suất cam kết được ghi nhận trên hợp đồng bảo hiểm.
Quyền lợi: bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi đầu tư.
- Quyền lợi bảo hiểm rủi ro: Công ty bảo hiểm và người mua tự thỏa thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải bảo đảm số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định của Bộ tài chính. Công ty bảo hiểm có thể cung cấp thêm các sản phẩm bổ trợ, hai bên tự thoả thuận cách đóng phí.
- Quyền lợi đầu tư: Bên mua bảo hiểm được hưởng quyền lợi từ kết quả đầu tư của quỹ liên kết chung với tỷ suất đầu tư tối thiểu quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
Các khoản phí mà bên mua phải trả: phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ, phí huỷ bỏ hợp đồng, các khoản phí khác (nếu có) được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch.
Phí bảo hiểm đóng thêm: Thông tư 52/2016/TT-BTC quy định bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để tham gia vào quỹ liên kết chung và được dùng để đầu tư vào quỹ liên kết chung sau khi trừ đi khoản phí ban đầu. Trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không được vượt quá năm (05) lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.
2.2 Bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị
Bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị: là loại sản phẩm mà tiền phí bảo hiểm của người mua sẽ được chia thành nhiều (tối thiểu là 2) gói, đổ vào các quỹ đầu tư khác nhau với các mức cam kết lãi suất và rủi ro khác nhau. Lãi suất càng lớn, rủi ro càng nhiều.
Đặc điểm: Bên mua có quyền chỉ định một trong các quỹ đầu tư mà doanh nghiệp (hoặc sản phẩm bảo hiểm) cung cấp, sẽ được hưởng kết quả đầu tư thực tế và chịu mọi rủi ro. Công ty bảo hiểm được hưởng các khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Quyền lợi:
- Quyền lợi bảo hiểm rủi ro: Đối với các hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần: 50 triệu đồng hoặc 125% của số phí bảo hiểm đóng một lần, tuỳ thuộc vào số nào lớn hơn; Đối với các hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ: 50 triệu đồng hoặc 5 lần của số phí bảo hiểm đóng hàng năm, tuỳ thuộc vào số nào lớn hơn; Có thể tham gia thêm các dòng sản phẩm bổ trợ thêm.
- Quyền lợi đầu tư: Bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm vào các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương đương với phần phí bảo hiểm đã đầu tư.
Các khoản phí phải trả tương tự như bảo hiểm đầu tư liên kết chung và có thêm phí chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị. Công ty bảo hiểm phải tính toán chính xác, công bằng và hợp lý các khoản phí nêu trên và thông báo cho người mua khi ký hợp đồng bảo hiểm.
Phí bảo hiểm đóng thêm: tại Thông tư 135/2012/TT-BTC quy định: Trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không được vượt quá mười lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá mức phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.
3. Tại sao bảo hiểm liên kết đầu tư đang là dòng sản phẩm “hot” ?
Có rất nhiều lý do khiến bảo hiểm liên kết đầu tư được nhiều người lựa chọn, sau đây là các lý do chính:
- Là dòng sản phẩm đáp ứng nhiều tính năng trong một. Bạn không cần chia ra nhiều khoản để gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư sinh lời, và gửi tiền bảo hiểm để bảo vệ rủi ro. Tất cả được tích hợp trong một sản phẩm duy nhất.
- Quyền lợi bảo vệ đa dạng, được nâng cấp thường xuyên. Người mua có thế tham gia thêm các sản phẩm bổ trợ để nâng cao quyền lợi bảo vệ
- Sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Người tham gia có thể linh hoạt đầu tư theo tình hình tài chính cá nhân cho mục đích sinh lời.
- Số tiền bảo hiểm rất cao so với mức phí bỏ ra
- Lãi suất đầu tư thực tế và công bố đều đang ở mức cao
4. Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư
Vì nhiều ưu điểm vượt trội như vậy, hiện nay hầu hết công ty bảo hiểm đang kinh doanh loại hình bảo hiểm này, chúng ta có thể điểm qua các sản phẩm đáng chú ý như sau.
4.1 Bảo hiểm liên kết đầu tư Manulife- Sản phẩm Điểm tựa đầu tư
Là sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị đóng phí định kỳ
- Quyền lợi bảo vệ: bảo vệ toàn diện tới 85 tuổi
- Quyền lợi đầu tư: gia tăng cơ hội đầu tư với 6 quỹ khác nhau bao gồm:
Tên Quỹ | Giá trị Quỹ (VND) |
Quỹ tăng trưởng | 27,188.5880 |
Quỹ phát triển | 27,796.2830 |
Quỹ cân bằng | 29,576.3120 |
Quỹ ổn định | 11,832.8360 |
Quỹ tích luỹ | 11,271.9450 |
Quỹ bảo toàn | 11,091.4620 |
4.2 Bảo hiểm liên kết đầu tư Prudential
Giải pháp Pru – Đầu tư linh hoạt là sự kết hợp giữa bảo hiểm và đầu tư giúp bạn được bảo vệ tài chính trước rủi ro và mang đến cơ hội gia tăng tài sản.
Quyền lợi bảo vệ: lên tới 100% STBH + Giá trị quỹ hợp đồng
Quyền lợi đầu tư: Cơ hội đầu tư và gia tăng tài sản hiệu quả với các quỹ PRUlink
Tên Quỹ | Giá trị Quỹ (VND) |
Quỹ PRUlink Cổ phiếu VN | 32.220 |
Quỹ PRUlink Tăng Trưởng | 36.169 |
Quỹ PRUlink Cân Bằng | 36.607 |
Quỹ PRUlink Bền Vững | 35.704 |
Quỹ PRUlink Trái Phiếu VN | 32.886 |
Quỹ PRUlink Bảo Toàn | 22.328 |
4.3 Bảo hiểm liên kết đầu tư Bảo Việt
Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư của Bảo Việt không phải được cải tiến chỉnh sửa từ sản phẩm bảo hiểm trọn đời, mà được thiết kế mới hoàn toàn với bộ 4 giải pháp: An Phát Cát Tường, An Phát Trọn Đời, Trọn Đời Yêu Thương, và An Phát Hưng Gia.
Bộ sản phẩm này đem lại quyền lợi bảo vệ vượt trội cho cả gia đình, đồng thời bạn sẽ được nhận lãi suất được công bố sau khi kết thúc mỗi năm tài chính. Hiện tại bảo hiểm Bảo Việt đang là công ty bảo hiểm có lãi suất đầu tư quỹ liên kết chung cao nhất thị trường dao động từ 6.5% đến 8.5%
5. Bảo hiểm liên kết đầu tư hợp với ai? Nên mua của bên nào?
Bảo hiểm liên kết đầu tư phù hợp với tất cả mọi người, đây là loại hình “3-4 trong 1”, phù hợp với số đông. Tất cả các yếu tố “bảo hiểm”, “tiết kiệm” và “đầu tư” được tích hợp trong một hợp đồng.
Với câu hỏi nên mua của bên nào, tùy theo tình hình tài chính và mong muốn đầu tư của bản thân mà có thể chọn các sản phẩm phù hợp. Bảo Việt Nhân thọ rất phù hợp nếu bạn cần giá rẻ và ổn định, Prudential cung cấp khả năng sinh lời cao, trong khi Manulife cân bằng giữa các yếu tố khả năng đầu tư và quyền lợi bảo hiểm đa dạng.
Kết luận
Trong bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu Bảo hiểm liên kết đầu tư là gì, hợp với ai, và nên mua của hãng nào. Hi vọng bạn đã tìm ra được phương án phù hợp với bản thân mình.